Với việc hợp nhất ba quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9, TP Thủ Đức là nơi tập trung nhiều công trình giao thông lớn của TP HCM như cao tốc, quốc lộ, đường vành đai,...
Toàn cảnh những tuyến giao thông trọng điểm của TP Thủ Đức. (Ảnh: Justin Bui).
Quốc lộ 1A
Quốc lộ 1A đoạn qua TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 10 km. Tuyến đường này chạy men theo bờ phía Bắc của thành phố, là nơi tập trung nhiều phương tiện trọng tải lớn lưu thông.
Từ Đông - Tây, tuyến đường này sẽ kết nối khu vực Suối Tiên đến Ngã ba Trạm 2, chạy theo hướng Tây Bắc, đi qua địa phận phường An Bình (TP Dĩ An, Bình Dương), sau đó tiếp tục đi vào địa phận TP Thủ Đức và kết thúc tại cầu Bình Phước.
Quốc lộ 13
Quốc lộ 13 đoạn qua TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 6 km, nằm ở phía Tây của thành phố, bắt đầu từ cầu Vĩnh Bình, đi qua Quốc lộ 1A và đường Phạm Văn Đồng trước khi kết thúc tại cầu Bình Triệu. Do kết nối TP HCM với các tỉnh Bình Dương và Bình Phước, đây cũng là tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn.
Đường Phạm Văn Đồng - Vành đai 1
Đại lộ Phạm Văn Đồng là đoạn tuyến của đường Vành đai 1 TP HCM, có vị trí từ ngã tư Linh Xuân, phường Linh Trung đến ngã tư Bình Triệu (Quốc lộ 13) phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, chiều dài khoảng 8,2 km. Đây là tuyến đường nội đô rộng 30 - 65 m (6 - 12 làn xe), kết nối các khu công nghiệp, sân bay và cảng biển quan trọng của TP HCM.
Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2013, đại lộ Phạm Văn Đồng đã thúc đẩy thị trường bất động sản khu Đông Bắc Sài Gòn, với hàng loạt dự án xuất hiện như Opal Riverside, Opal Garden, Him Lam Phú Đông, Phú Đông Premier, Flora Novia, 4S Linh Đông,...
Xa lộ Hà Nội
Dự án Xa lộ Hà Nội có tổng chiều dài 15,7 km, điểm đầu nối với cầu Sài Gòn, điểm cuối tại nút giao Tân Vạn, tổng mức đầu tư hơn 2.286 tỷ đồng.
Đoạn tuyến Xa lộ Hà Nội qua TP Thủ Đức có quy mô 16 làn xe, gồm 10 làn chính và 6 làn song hành, kéo dài từ cầu Sài Gòn đến Ngã ba Trạm 2, trước khi nhập vào Quốc lộ 1A.
Không chỉ đóng vai trò là cửa ngõ huyết mạch của TP HCM, năm 2012, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chạy dọc theo Xa lộ Hà Nội được khởi công, hai bên tuyến đường này xuất hiện nhiều dự án lớn nhỏ của Keppel Land, Masterise, Thuduc House, Him Lam..., đặc biệt tại khu vực quận 2 trước đây.
Đường Mai Chí Thọ - Đại lộ Đông Tây
Đường Mai Chí Thọ đoạn qua TP Thủ Đức có chiều dài hơn 6 km, kéo dài từ hầm Thủ Thiêm, đi qua khu đô thị Thủ Thiêm và kết thúc tại nút giao Ngã 3 Cát Lái. Đường Mai Chí Thọ cùng với Đường Võ Văn Kiệt là hai cung đường kiến tạo nên Đại lộ Đông Tây của TP HCM.
Đường Mai Chí Thọ giao cắt với nhiều con đường lớn như Đồng Văn Cống, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nguyễn Cơ Thạch,... Đường có mặt cắt ngang 140 m với 14 làn xe.
Khu vực hai bên đường Mai Chí Thọ cũng hội tụ nhiều dự án quy mô lớn như Empire City, khu đô thị Sala, New City, The Sun Avenue,...
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là đường cao tốc nối TP HCM với Đồng Nai, có điểm đầu tại nút giao An Phú, TP Thủ Đức và điểm cuối tại nút giao Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công xây dựng vào ngày 3/10/2009, đi vào hoạt động từ năm 2015 với quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài 55,7 km.
Chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với tổng mức giai đoạn 1 là 997,67 triệu USD (khoảng 20.600 tỷ đồng).
Mới đây, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã được Bộ Giao thông Vận tải giao nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây để giải quyết tình trạng ùn tắc. Theo đó, đoạn tuyến 24 km từ cầu Bà Dạt (TP Thủ Đức) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Long Thành, Đồng Nai) sẽ thực hiện mở rộng mặt đường từ 4 lên 8 làn xe. Tổng kinh phí dự kiến gần 10.000 tỷ đồng.