Trang

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Doanh nghiệp bất động sản ứng phó khi giá vật liệu xây dựng tăng

 Giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép tăng cao ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp đã chọn tăng giá sản phẩm chưa bán để bù đắp hoặc tạm ngừng thi công để quan sát đưa ra phương án tối ưu.


Thời gian qua, thị trường vật liệu xây dựng nhiều tỉnh, thành trên cả nước có xảy ra tăng giá. Cụ thể theo bảng giá của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng công bố, so sánh quý II với quý I/2021 cho thấy giá cát đúc, xây, tô tăng cao nhất 75.000 đồng/m3; giá thép tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại.



Tại TP HCM, so sánh bảng giá vật liệu xây dựng quý II với quý I của Sở Xây dựng công bố, giá thép tăng cao 8.000 - 9.000 đồng/kg tùy loại.

Mới đây, Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên đã ra thông báo tăng giá thép. Theo đó, giá thép cây và thép cuộn các loại đồng loạt tăng 200.000 đồng/tấn trên phạm vi toàn quốc. Mức giá mới có hiệu lực từ ngày 7/10. Theo Thép Hòa Phát Hưng Yên, nguyên nhân của việc tăng giá bán là do giá phôi thép và nguyên liệu đầu vào thời gian qua liên tục tăng.

Về giá xi măng, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, thị trường ghi nhận từ tháng 4 nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng điều chỉnh tăng giá bán 30.000 – 40.000 đồng/tấn do chi phí tăng cao và để đảm bảo hiệu quả cho quá trình sản xuất.



Tuy nhiên, đợt tái bùng phát dịch bệnh vào cuối tháng 4 đã ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế, bao gồm việc đầu tư và xây dựng. Bên cạnh đó, việc giá các nguyên liệu không ngừng leo thang trong thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Trao đổi với người viết, một số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cho biết, ngoài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nói chung phải tạm dừng thi công thì việc giá vật liệu xây dựng tăng quá cao khiến doanh nghiệp đưa ra lựa chọn thi công cầm chừng, giãn tiến độ dự án hoặc điều chỉnh giá bán.

Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, tỷ trọng giá trị thép trong giá trị đầu tư xây dựng cao tầng chiếm ít nhất khoảng 10% - 12%. Nếu tính từ thời điểm tháng 11/2020 đến nay, giá thép đã tăng hơn 5.000 đồng/kg, đây là một con số không hề nhỏ.

"Việc giá thép tăng nóng trong thời gian qua ảnh hưởng rất lớn đến ngành BĐS. Đặc biệt là với dự án đang triển khai, chủ đầu tư đã xác định suất đầu tư, giá bán thì việc tăng giá này đã ảnh hưởng trực tiếp vào lợi nhuận kỳ vọng ban đầu của doanh nghiệp", Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh nói và nhận định giải pháp tốt nhất lúc này là doanh nghiệp giãn tiến độ thi công dự án, chờ xem những biến động tiếp theo thị trường rồi tùy cơ ứng biến.

Một doanh nghiệp BĐS đang làm chủ đầu tư dự án nhà ở tại Quảng Nam chia sẻ, doanh nghiệp trực tiếp thi công nên ảnh hưởng rất nhiều từ việc tăng giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép.

"Bảng giá bán sản phẩm công ty đưa lên hợp đồng từ năm 2020. Công ty đã chạy chương trình bán hàng, ký hợp đồng với khách hàng nên khi giá vật liệu tăng buộc công ty phải chấp nhận lợi nhuận giảm xuống. Có những sản phẩm chưa bán, công ty xem xét điều chỉnh tăng giá lên để bù đắp", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Tại TP HCM, theo JLL, giá nhà mở bán mới tại TP HCM dự kiến tiếp tục tăng dưới áp lực thiếu hụt quỹ đất và chi phí vật liệu xây dựng leo thang.

Trong khi đó, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang chia sẻ tại tọa đàm BĐS được tổ chức mới đây rằng, ông không đồng ý quan điểm việc giá vật liệu xây dựng tăng đẩy giá bán tăng.

"Ở thị trường bình thường như giai đoạn 2015-2017, chuyện đó có thể đúng nhưng hiện nay là không. Hiện nay tôi đánh giá, nhiều chủ đầu tư trên thị trường có biên lợi nhuận 25-30%, thậm chí 40%.

Nếu giá vật liệu xây dựng tăng 10-15% - mức này rất lớn với ngành xây dựng, nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá bán, chỉ làm tăng 5% giá thành sản phẩm, trong khi chủ đầu tư đang lời đến 25-30%", ông Quang nói và tiếp tục giữ quan điểm việc tăng giá vật liệu xây dựng làm tăng giá bán là không có, nhất là đối với thị trường căn hộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét