10 năm trở lại đây, tình trạng ngập cục bộ ở Hà Nội xảy ra thường xuyên hơn. Vậy đâu là nguyên nhân và Thủ đô đang làm gì để khắc phục?
Dù không xảy ra trận mưa ngập nào nghiêm trọng khiến hàng chục người thiệt mạng như năm 2008, nhưng trong 10 năm trở lại đây, tình trạng ngập cục bộ có dấu hiệu xảy ra thường xuyên hơn ở cả nội và ngoại thành Hà Nội. Người sinh sống tại Hà Nội đã quen dần với "đặc sản" kẹt xe, ngập nước mỗi khi mưa đến.
Một trong những trận ngập lớn nhất trong 10 năm qua có thể kể đến ngày 25/5/2016, một trận mưa lớn làm úng ngập cục bộ 34 điểm tại Hà Nội, giao thông đình trệ nhiều giờ đồng hồ. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết đây là trận mưa lớn nhất lịch sử trong cùng kỳ tháng 5 suốt từ năm 1971 đến thời điểm đó.
Tổng lượng nước tích lũy trong 12 giờ mưa lớn tại Hà Nội thời điểm đó phổ biến 100 - 200 mm. Lượng mưa cao nhất đêm 24/5 được ghi nhận ở Chương Mỹ hơn 400 mm; Láng hơn 200 mm, một số nơi khác trên 300 mm như Thanh Oai, Hà Đông (riêng Hà Đông xấp xỉ 350 mm)...
Trong khi đó, trận mưa lịch sử vào cuối tháng 10/2008 với lượng mưa tích lũy 12 giờ ở Hà Đông đạt gần 400 mm.
Năm 2018 cũng xảy ra một trận mưa lớn vào rạng sáng 13/5 tại Hà Nội với lượng mưa vượt quá khả năng thoát nước của thành phố (cường độ 70 mm/2h).
Cũng trong năm này, trận mưa lớn cuối tháng 7 cùng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã khiến nước sông Bùi chảy qua Hà Nội dâng cao, gây ngập lụt nặng nề cho một số huyện ngoại thành, đặc biệt là huyện Chương Mỹ.
Thời điểm sau trận mưa gần 10 ngày, ghi nhận tại huyện, mưa to đã ngớt nhưng nước lũ không có dấu hiệu giảm mà còn dâng cao hơn. Nhiều xã, thôn vẫn ngập sâu hơn một mét khiến nước ngập tận mái nhà.
Đến năm 2020, trận mưa đầu tháng 3 được xác định có lượng mưa lớn nhất vào tháng 3 tại Thủ đô trong khoảng 50 năm qua.
Năm 2021, Hà Nội đã trải qua ít nhất ba lần ngập cục bộ tại các tuyến phố sau các cơn mưa lớn hồi tháng 5, 7 và đầu tháng 10.
Sau cơn mưa khoảng 1 - 2h, nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội ngập sâu, giao thông gần như tê liệt, la liệt phương tiện chết máy. Độ ngập phổ biến từ 20 - 40 cm; một số tuyến phố trung tâm nội đô như Tràng Tiền, khu vực Nhà Hát Lớn (quận Hoàn Kiếm), Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Kim Mã, Đào Tấn (quận ba Đình), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) ngập sâu hơn từ 40 - 50 cm. Đáng chú ý, có điểm ngập tới hơn một mét.
UBND TP Hà Nội xác nhận rằng, tình trạng úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành và một số khu vực đô thị hóa nhanh vẫn diễn ra và thường xuyên hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét