Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình thực hiện quy hoạch Thủ đô trong 10 năm qua cũng có nhiều vấn đề còn hạn chế.
Căn cứ theo lộ trình xây dựng mạng lưới giao thông Hà Nội tại Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô (được phê duyệt năm 2011) và Quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được duyệt năm 2016) thì có rất nhiều dự án chưa được thực hiện.
Trong đó, Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô nêu ra một số dự án thuộc nhóm ưu tiên xây dựng, trong đó có các trục giao thông hướng tâm và vành đai. Tuy nhiên, nhiều dự án thuộc nhóm này chưa được xây dựng như: Trục Hồ Tây – Ba Vì; Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục); Vành 2,5 (đoạn Trung Kính - Trần Duy Hưng, đoạn Hoàng Đạo Thúy - Nguyễn Trãi...); Vành đai 3,5 (đoạn Thượng Cát - quốc lộ 32...); Vành đai 4...
Nhiều tuyến đường đã được phê duyệt, được bố trí vốn nhưng hơn thập kỷ qua vẫn chưa thể khởi công, hoặc chưa hoàn thành như: Đường nối Đại học Mỏ Địa Chất ra Phạm Văn Đồng kéo dài (từ năm 2006), đường Liễu Giai - Núi Trúc (từ năm 2009), đường Núi Trúc - Sơn Tây (từ năm 2009)...
Đáng chú ý nhất là vấn đề xây dựng đường sắt đô thị. Tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội trong thập kỷ qua đều chậm so với dự kiến và một số tuyến đội vốn rất cao.
Trong đó, tuyến metro số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội khởi công từ năm 2009 đến nay chưa hoàn thiện, phía nhà thầu hiện đang dừng thi công đoạn đi ngầm do vướng giải phóng mặt bằng. Sau hơn 10 năm, tuyến metro này đội vốn hơn 10 nghìn tỷ đồng, từ khoảng 20.600 tỷ đồng ban đầu (783 triệu euro) lên gần 33.000 tỷ đồng.
Tuyến metro số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ năm 2009 với tổng mức đầu tư 19,5 nghìn tỷ đồng. Hà Nội đã rót vào dự án này gần 417 tỷ đồng nhưng tới nay gần như chưa khởi động. Hiện dự án đang làm thủ tục điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 35.000 tỷ đồng, tức đội vốn hơn 15.000 tỷ.
Điểm sáng trong việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị là việc đưa vào khai thác tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông hôm 6/11 vừa qua. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, đây là dự án nhận nhiều chỉ trích nhất từ người dân. Dự án này được phê duyệt từ năm 2009, khởi công từ năm 2011, đã qua rất nhiều lần hứa hẹn về đích. Đến thời điểm khai thác, dự án cũng đội vốn hơn 9.000 tỷ, từ khoảng 8,8 nghìn tỷ lên hơn 18.000 tỷ. Trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt đô thị này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, thậm chí gây chết người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét