Trang

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Giá dầu tăng do nỗi lo nguồn cung

Tình hình nguồn cung hiện đang là yếu tố tác động chính đến diễn biến giá dầu thế giới..
Bước sang tuần này, những nỗi lo về nguồn cung đã trở lại hỗ trợ cho giá dầu - Ảnh: Getty/Market Watch
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, do nỗi lo gián đoạn nguồn cung ở Na Uy và Libya, cũng như dữ liệu cho thấy tồn kho dầu của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo. Mặc dù vậy, đà tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào sau khi Mỹ phát tín hiệu có thể miễn trừ một số trường hợp trong vấn đề trừng phạt ngành dầu lửa của Iran.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,79 USD/thùng, đạt 78,86 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent gần đạt 80 USD/thùng - ngưỡng cao nhất trong 3 năm rưỡi thiết lập hồi tháng 6.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,26 USD/thùng, đạt 74,11 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt gần 75 USD/thùng, cũng là mức gần cao nhất của 3 năm rưỡi.
Số liệu từ Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) cho thấy tồn kho dầu của Mỹ giảm 6,8 triệu thùng trong tuần trước, so với mức dự báo giảm 4,5 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Theo ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates, giá dầu tăng còn do "ảnh hưởng vĩ mô tích cực lan tỏa từ sự tăng điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu". Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, trong đó chỉ số S&P 500 đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 1/2.
Giá dầu đã không giữ được mức cao nhất của phiên sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Mỹ sẽ cân nhắc về đề xuất của một số quốc gia muốn được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt dầu lửa đối với Iran.
Thời gian qua, giá dầu được nâng đỡ bởi nỗi lo về sự gián đoạn nguồn cung từ Iran, nhất là sau khi Mỹ đề nghị các quốc gia đến ngày 4/11 phải dừng toàn bộ việc nhập khẩu dầu từ Iran nếu không sẽ bị Mỹ trừng phạt.
Những gì Ngoại trưởng Mỹ vừa nói "về cơ bản khiến giá dầu mất đi một nguồn lực hỗ trợ quan trọng… Nhưng mọi chuyện còn tùy thuộc nhiều yếu tố, chẳng hạn đó là quốc gia nào, sự miễn trừ chỉ là tạm thời hay vĩnh viễn…", ông Phil Flynn, nhà phân tích thuộc Price Futures Group ở Chicago, nhận định.
Ngoài thông tin về dự trữ dầu của Mỹ giảm, hỗ trợ cho giá dầu phiên này còn có thông tin về cuộc đình công của công nhân làm việc tại các mỏ dầu khí ngoài khơi của Na Uy. Cuộc đình công đã khiến một mỏ dầu do hãng Shell vận hành phải tạm ngừng hoạt động.
Tại Libya, sản lượng dầu đã giảm một nửa trong vòng 5 tháng, còn 527.000 thùng/ngày.
Tình hình nguồn cung hiện đang là yếu tố tác động chính đến diễn biến giá dầu thế giới. Sau hai tuần tăng liên tiếp vì nỗi lo cung giảm, giá dầu WTI giảm 0,5% và giá dầu Brent giảm 2,7% trong tuần trước sau khi có dấu hiệu cho thấy nguồn cung tăng.
Tuy nhiên, bước sang tuần này, những nỗi lo về nguồn cung đã trở lại hỗ trợ cho giá dầu.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu đã nhất trí tăng sản lượng để hạn chế đà tăng của giá dầu. Tuy vậy, thị trường lo ngại rằng việc nâng sản lượng sẽ làm suy giảm công suất dự trữ của ngành dầu lửa toàn cầu, khiến thị trường càng dễ tổn thương hơn trong trường hợp sản lượng dầu bất ngờ suy giảm sâu hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét