Theo Cục Chăn nuôi, các doanh nghiệp chăn nuôi phía Nam chỉ tiêu thụ được 5 - 10% gà công nghiệp trắng dẫn đến tồn đọng khoảng 10 triệu con gà đã đến tuổi xuất chuồng.
Xem thêm: https://vietnambiz.vn/chu-de/gia-suc-gia-cam-48.htm
Điều này khiến giá gia cầm tại các tỉnh ĐBSCL rớt thê thảm, đặc biệt giá gà trắng chỉ còn 7.000 – 10.000 đồng/kg, giảm khoảng 60% so với bình quân năm trước. Với giá gà như thời điểm này, người nuôi đang lỗ 20.000 – 40.000 đồng/kg.
Tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, nông dân nuôi gà chưa kịp hồi sức sau cú sốc phát triển nóng năm 2019 lại bị COVID-19 giáng thêm đòn đau khiến người chăn nuôi lại một lần nữa rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Trao đổi với người viết, chị Đặng Thị Huệ, người chăn nuôi tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết trước đây nhà chị có hai trại gà lớn với quy mô khoảng 60.000 con.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây nuôi gà không có lãi, chị phải bán một trại cho người ta để có tiền tái đầu tư, mong gỡ lại cả vốn lẫn lời.
Ảnh: Hội Chăn nuôi
Theo đó, trước khi các tỉnh phía Nam giãn cách xã hội, gia đình chị Huệ ký hợp đồng 30.000 con gà con với cơ sở sản xuất giống. Song gần ngày giao, tỉnh Đồng Nai bùng phát dịch, giá gà giảm mạnh, chị Huệ liên hệ với công ty xin giãn lịch nhận gà nhưng không kịp.
Trước sự lựa chọn tiêu hủy hoặc tái đàn, chị quyết định liều một phen với hy vọng "đón gió" sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Chị thế chấp mảnh đất 1,5 ha với ngân hàng để vay 5 tỷ đồng trong đó 2 tỷ cho trang trại gà, 3 tỷ đầu tư lĩnh vực khác.
Theo chị Huệ, trung bình mỗi ngày trang trại tốn 3 tấn cám, tương đương khoảng 40 triệu đồng. Giá gà vẫn "dậm chân tại chỗ", giá cám tăng tiếp tục tăng, giờ nuôi huề vốn đã thấy khó trong khi tiền vay ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con.
"Trung bình, một con gà tiêu chuẩn 1,65 kg tiêu thụ hết 3,7 kg cám. Tuy nhiên, giá gà trắng giảm còn 7.000 – 10.000 đồng/kg, không đủ để mua 1 kg cám với giá 12.000 đồng.
Tính đến nay, đàn gà đã được 40 ngày tuổi, chỉ 20 ngày nữa, đàn gà đến tuổi xuất chuồng. Gà càng lớn, nhà tôi càng lo".
Sau vài lần thua lỗ, người 20 năm gắn bó với chăn nuôi như chị Huệ cũng có ngày "nhìn thấy gà là sợ" và có ý định chuyển nghề sau đợt dịch COVID-19.
Không riêng gia đình chị Huệ, nhiều hộ chăn nuôi khác cũng đang rao bán đất đai để lấy tiền mua thức ăn cho đàn gà và duy trì các khâu sản xuất tại trang trại.
"Gà ăn hết đất, hết tài sản của nông dân", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai bày tỏ.
Dưới ảnh hưởng của COVID-19, ngành gia cầm Việt Nam đang phải đương đầu với khủng hoảng, doanh nghiệp càng lớn, thiệt hại càng nhiều.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà tại TP HCM, khi dịch bệnh xảy ra lượng tiêu thụ giảm đi chỉ còn 50%. Trong khi hợp đồng liên kết với trang trại là 25.000 - 26.000 đồng/kg nhưng giá gà bán ra hiện chỉ còn 8.000 đồng/kg.
Còn tiếp....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét