Trang

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

Công tác thu hồi, xử lý nợ đối với các khoản vay

Việc nhiều khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu… cho thấy khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ đối với các khoản vay theo Nghị định 67.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững...

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai phát sinh khá nhiều vướng mắc liên quan đến toàn bộ các khâu và các bên trực tiếp tham gia. Chính vì thế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản tháo gỡ một số vướng mắc. Thế nhưng, tình trạng khách hàng chây ì trả nợ khiến các ngân hàng cho vay theo Nghị định này có nguy cơ nợ xấu tăng cao hơn trong thời gian tới.

rui ro khi ngan hang cho vay theo nghi dinh 67 bai 1

Ngân hàng cho vay vì trách nhiệm với quốc gia

Với vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank được coi là một trong những ngân hàng trụ cột trong việc triển khai cho vay theo Nghị định 67. Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện, Agribank đã cho vay trên địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng số 679 tàu, trong đó 622 tàu đóng mới nâng cấp và 57 tàu vay vốn lưu động, tổng dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 5.465 tỷ đồng. Số tàu vay đóng mới, nâng cấp do Agribank tài trợ đã chiếm hơn 50% tổng số tàu của chương trình và gần 47% tổng dư nợ toàn Ngành về cho vay đóng tàu theo Nghị định 67.

Một số tỉnh có dư nợ lớn như: Bình Thuận, Quảng Nam, Hải Phòng, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 30 tàu đóng mới nâng cấp và dư nợ trên 300 tỷ đồng. Trong đó, Agribank chi nhánh Bình Thuận là đơn vị có dư nợ và số tàu đóng mới nâng cấp lớn nhất trên toàn hệ thống Agribank và là NHTM duy nhất triển khai cho vay theo Nghị định số 67 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với tổng số tàu đã ký kết hợp đồng tín dụng là 121 tàu nâng cấp đóng mới; tổng dư nợ cho vay đóng mới nâng cấp đạt 1.028,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,9% tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 của toàn hệ thống.

Ông Nguyễn Văn Chung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản - Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá cao vai trò tiên phong của Agribank trong việc triển khai Nghị định 67. Mặc dù so với chỉ tiêu phân bổ số tàu đóng mới chỉ đạt hơn một nửa, nhưng ông Chung cho rằng, nhờ cú hích Nghị định 67 đã hiện đại hóa đội tàu cá vươn khơi bám biển mà cư dân mơ ước từ bao lâu nay. Điều quan trọng nữa là thay đổi nhận thức của ngư dân, sinh hoạt cư dân trên tàu cá với tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn…

"Vừa rồi, tổ chức quốc tế sang Việt Nam kiểm tra thấy đội tàu phát triển nhanh và mạnh. Tôi cho rằng, đó là nhờ động lực từ Nghị định 67 với công lao của cả hệ thống chính trị, trong đó có phần công sức không nhỏ của Agribank. Có được một đội tàu hiện đại, sẽ tạo động lực phát triển ngành khai thác thủy sản trong thời gian tới. Như vậy, theo tôi mục tiêu phấn đấu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trong năm 2018 sẽ đạt được và có đóng góp lớn của hệ thống Agribank", ông Chung nhìn nhận.

Ở góc độ cơ quan quản lý, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cũng đánh giá rất tích cực sự vào cuộc của Agribank. Theo ông, không chỉ Agribank mà 3 NHTM Nhà nước còn lại cũng nỗ lực tham gia dù cho vay theo Nghị định 67 các ngân hàng đều xác định là hòa vốn. Chưa kể, lãi suất cấp bù từ Bộ Tài chính có khi cả năm mới được trả. Nhưng các ngân hàng vẫn tích cực thực hiện thể hiện trách nhiệm của mình đối với quốc gia.

Nguy cơ nợ xấu từ con nợ chây ì

Theo ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng giám đốc Agribank, mặc dù được tổ chức, chỉ đạo thực hiện sát sao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện, song việc cho vay theo Nghị định 67 đã phát sinh không ít vướng mắc khiến nguy cơ nợ xấu tăng cao. Tính đến 31/7/2018, trên tổng số 622 khoản vay, có 34 khoản vay đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, 24 khoản vay có dư nợ bị chuyển quá hạn với dư nợ chuyển quá hạn gần 264 tỷ đồng, 11 khoản vay bị chuyển nợ xấu với dư nợ trên 155 tỷ đồng. Việc nhiều khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu… cho thấy khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ đối với các khoản vay theo Nghị định 67. Theo nắm bắt tình hình khách hàng tại các chi nhánh Agribank, thời gian tới các khoản nợ đã được cơ cấu và các khoản nợ đến hạn phân kỳ sẽ tiếp tục khó khăn.

Bên cạnh những nguyên nhân khó khăn, vướng mắc về chính sách tín dụng, chính sách bảo hiểm, hay những khó khăn do đặc thù ngành khai thác hải sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan như thời tiết, hải lưu, ngư trường… đại diện Agribank nhiều địa phương đã phản ánh tình trạng đáng lo ngại hiện nay là xuất hiện hiện tượng ngư dân có tư tưởng coi chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, cố tình chây ì, không trả nợ, chờ ngân hàng xoá nợ...

Chia sẻ thực trạng hoạt động và chấp hành trả nợ của khách hàng, ông Trần Văn Thành - Phó giám đốc Agribank Thanh Hoá cho biết, phần lớn các chủ tàu dịch vụ hậu cần hoạt động có hiệu quả, chấp hành tốt các quy định về trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng, thì một số chủ tàu bất hợp tác. Nhất là từ tháng 6/2017 đến nay nhiều chủ tàu trên địa bàn tỉnh không chấp hành nghĩa vụ trả nợ gốc lãi theo cam kết. Đặc biệt là 6 tàu vỏ thép ở hai huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia và 3 tàu vỏ gỗ tại huyện Hậu Lộc đã cố tình chây ì và thiếu hợp tác với ngân hàng.

Thời gian gần đây có hiện tượng một số chủ tàu đối phó với ngân hàng bằng hình thức gửi đơn thư khiếu nại, phản ánh với các phương tiện thông tin đại chúng không đúng thực tế, không đúng bản chất vấn đề khiến ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ. Thậm chí, một số chủ tàu còn lôi kéo, kích động các chủ tàu khác, kể cả chủ tàu vay vốn thông thường, không trả nợ ngân hàng để chờ ngân hàng xoá nợ.

"Nhiều chủ tàu không khai báo hiệu quả khai thác hoặc khai báo ở mức lãi thấp hoặc thua lỗ. Có chủ tàu chuyến nào cũng báo lỗ với con số lỗ 400-500 triệu đồng mỗi chuyến. Tính ra mỗi năm lỗ hàng tỷ đồng mà thực tế tiềm lực của chủ tàu không được như thế. Thậm chí có chủ tàu báo lỗ liên tục nhưng tàu cứ về bờ vài ngày lại thấy ra khơi. Ngân hàng đã nhiều lần xuống làm việc cũng như gọi điện thoại nhiều lần vận động chủ tàu nhưng khách hàng cố tình không hợp tác. Trong khi, ngân hàng không có cơ chế kiểm soát lịch trình của tàu cá.

Do đó rất khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả khai thác để làm cơ sở thu hồi nợ", ông Thành bày tỏ và cho biết thêm khó khăn của chi nhánh: Một số chủ tàu khai thác còn đề nghị rút tài sản đã thế chấp ngân hàng, mặc dù trước đây khi vay đã cam kết bằng văn bản tự nguyện đưa tài sản vào thế chấp để vay vốn lưu động phục vụ hoạt động tàu cá. Tuy nhiên, sau khi rút tài sản nhà và đất đã thế chấp, chủ tàu lại đề nghị được vay vốn lưu động không thế chấp tài sản. Việc làm này đã gây khó khăn cho Agribank Thanh Hóa.

Là một trong những đơn vị cho vay theo Nghị định 67 nhiều nhất, Agribank chi nhánh tỉnh Bình Thuận cũng đang gặp nhiều khó khăn cả chủ quan lẫn khách quan. Ông Huỳnh Tấn Nam - Giám đốc Agribank chi nhánh Bình Thuận cho biết, từ năm 2017 đến nay, đa số các chủ tàu khai báo nguồn lợi hải sản ở vùng biển xa đang bị suy giảm mạnh, thời tiết lại diễn biến thất thường, thị trường tiêu thụ không ổn định… làm cho các chủ tàu khai thác bị sụt giảm năng suất, giảm sản lượng, kéo theo đội tàu dịch vụ thủy sản bị ảnh hưởng, nhiều tàu không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng.

Cũng như ở Thanh Hóa, tại Bình Thuận, bên cạnh những chủ tàu có ý thức tốt trong việc trả nợ còn những chủ tàu có xu hướng trông chờ, cố tình chây ì, dò hỏi ý kiến của nhiều chủ tàu khác để cùng nhau không trả nợ ngân hàng khi đến hạn phải trả.

Agribank chi nhánh Quảng Bình cũng là đơn vị có dư nợ quá hạn cho vay theo Nghị định 67 nhiều nhất. Vì sao nên nỗi này? Ông Nguyễn Trần Quý - Giám đốc Agribank Quảng Bình chia sẻ: Với quan niệm tiền của Nhà nước, của Chính phủ, làm được thì làm, không làm được thì giao tàu lại cho ngân hàng, ngân hàng nhận tàu, coi như chủ tàu không còn nợ, nên có nơi ngư dân bị lôi kéo viết đơn kiến nghị Chính phủ khoanh nợ, giãn nợ, chỉ đồng ý trả số nợ hàng năm rất thấp.

Vì vậy, Quảng Bình có những con tàu tính ra... 100 Năm sau mới trả hết nợ. Hay có những trường hợp đi biển về lãi 400-500 triệu đồng nhưng không trả đồng nào, thậm chí gửi tiền sang ngân hàng khác. Một số tàu kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay nhưng đi so sánh với những tàu kinh doanh không hiệu quả, không trả được nợ nên cũng khất lần không trả nợ vay ngân hàng, không hợp tác khi ngân hàng đôn đốc thu hồi nợ. Vì vậy, cán bộ ngân hàng rất vất vả trong việc tiếp cận, thuyết phục, đòi nợ khi đến hạn trả nợ gốc phân kỳ hàng năm hoặc nợ lãi vay hàng tháng.

Bài 2: Ngân hàng không thể "đơn thương độc mã" xử lý nợ xấu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét