Trang

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Diễn biến của đồng nhân d��n tệ thời gian tới thế nào?

Diễn biến của đồng nhân dân tệ thời gian tới thế nào? Động thái của PBoC ra sao đang được giới chuyên gia và thị trường theo dõi sát sao.

Người đoán tăng…

Bên cạnh diễn biến của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ, đồng nhân dân tệ cũng vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường lẫn các nhà hoạch định chính sách khi mà cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có chiều hướng leo thang đã làm dấy lên nỗi lo Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí tiền tệ để đối phó với cuộc chiến thương mại.

dong nhan dan te se di ve dau
Nhân dân tệ vẫn chịu nhiều áp lực trước đà tăng mạnh của đồng USD

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, sẽ không dùng đồng nhân dân tệ như một vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Thế nhưng cho đến nay PBoC vẫn chưa có động thái gì để ngăn lại đà giảm của đồng nhân dân tệ, thậm chí với việc liên tục điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu, cơ quan này đang để ngỏ cánh cửa để đồng nội tệ có thể giảm thêm.

Trong phiên giao dịch hôm thứ Tư (15/8), tỷ giá giao ngay của đồng nhân dân tệ so với USD trên thị trường nước ngoài có thời điểm đã rơi xuống còn 6,9210 nhân dân tệ/USD – mức thấp nhất kể từ tháng 3/2017. Tính chung kể từ đầu năm, đồng nội tệ của Trung Quốc đã giảm hơn 7%.

Chính vì vậy, diễn biến của đồng nhân dân tệ thời gian tới thế nào? Động thái của PBoC ra sao đang được giới chuyên gia và thị trường theo dõi sát sao. Kết quả cuộc khảo sát của Reuters được tiến hành mới đây với 64 chuyên gia ngoại hối cho thấy, phần đông các chuyên gia cho rằng, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ lấy lại một phần những gì đã mất gần đây và sẽ định giá cao trong năm tới, nhưng chỉ khi căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh dịu lại. Theo đó, nhân dân tệ được dự đoán sẽ tăng khoảng 2% lên 6,70 nhân dân tệ/USD trong vòng 1 năm tới.

"Chúng tôi tin rằng đồng nhân dân tệ có thể mạnh lên so với đồng USD nếu các yếu tố (gây ra sự suy yếu của đồng tiền này) hiện nay được loại bỏ. Thật vậy, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump lùi bước với việc áp đặt mức thuế cao hơn, điều này có thể giúp đảo ngược một số mối quan ngại của thị trường về (cặp đồng tiền) USD/CNY", Jeff Ng - nhà kinh tế trưởng châu Á của Continuum Economics nói.

"Hơn nữa, sự phục hồi trong các số liệu kinh tế trong nước cũng có thể giúp PBoC tránh xa việc nới lỏng, giữ USD/CNY gần mức 6,50 (nhân dân tệ/USD). Đồng nhân dân tệ cũng có thể phục hồi trở lại nếu thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chậm lại tốc độ tăng lãi suất hoặc bắt đầu lo lắng về thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ".

Các chuyên gia cũng cho rằng, sau khi "khoanh tay đứng nhìn" trong những tuần gần đây khi đồng nhân dân tệ sụt giảm, có những dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tìm cách thiết lập mức sàn cho đồng nội tệ và không khuyến khích đồng nội tệ tiếp tục sụt giảm vì điều đó có thể kích hoạt dòng vốn chảy ra khỏi nước này. Bằng chứng là việc PBoC yêu cầu các ngân hàng dự trữ một lượng ngoại tệ tương đương với 20% trạng thái ngoại hối kỳ hạn của khách hàng trong một nỗ lực nhằm ổn định đồng nhân dân tệ.

Trong khi Goldman Sachs nói với khách hàng trong một lưu ý rằng, họ tin một "thỏa thuận" cuối cùng vẫn có vẻ là một giả định hợp lý. Với giá định này, dự kiến đồng nhân dân tệ sẽ ở mức 6,60 nhân dân tệ/USD trong 12 tháng.

… kẻ bảo giảm

Tuy nhiên, dự báo 12 tháng đối với đồng nhân dân tệ là mức trung bình bi quan nhất trong các cuộc thăm dò ý kiến ​​của Reuters với giới chuyên gia được tiến hành trong năm nay. Trong khi kết quả một cuộc thăm dò khác của Reuters về định vị tiền tệ, các nhà đầu tư đã đánh cược về sự giảm giá đồng nhân dân tệ xuống mức kỷ lục trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang leo thang.

Mỹ và Trung Quốc đã ấn định thời điểm áp tiếp thuế quan 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa của nhau vào ngày 23/8 tới sau khi đã áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau vào đầu tháng 7.

Chưa dừng lại ở đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đề xuất tiếp tục áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Thế nhưng Trung Quốc không hề tỏ ra lo sợ và nước này cũng đã lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên 60 tỷ USD hàng hóa khác của Mỹ nếu phía Mỹ tiếp tục triển khai danh mục thuế quan 200 tỷ USD.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang có chiều hướng leo thang chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực cho nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn 6,6% trong năm 2018 và 6,3% trong năm 2019, từ mức 6,9% của năm ngoái, theo một cuộc thăm dò ý kiến ​​khác của Reuters.

"Nguy cơ mạnh lên của cuộc chiến kinh tế với Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng và ổn định tài chính của Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008)", Dariusz Kowalczyk - nhà chiến lược cao cấp về thị trường mới nổi tại Credit Agricole CIB cho biết. "Chúng tôi tin rằng Bắc Kinh có nhiều mất mát hơn trong một cuộc đối đầu này và do đó, sẽ có lợi hơn với Trung Quốc trong việc đạt được một thỏa hiệp với Mỹ hơn là đi theo con đường trả đũa".

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ ngồi vào bàn đàm phán. Chính vì vậy, không ít chiến lược gia tiền tệ dự báo, đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá hơn nữa trong 12 tháng tới.

Cụ thể, 13 trong số 64 chuyên gia ngoại hối tham gia cuộc khảo sát của Reuters cho biết, đồng nhân dân tệ sẽ giảm dưới mức 7,0 nhân dân tệ/USD trong vòng 1 năm, mức giá chưa từng chạm tới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

"Nói một cách nhẹ nhàng hơn là triển vọng ngắn hạn cho nhân dân tệ vẫn còn rất không chắc chắn. Trong trường hợp căng thẳng thương mại leo thang hơn nữa, mức 6,97 -7,00 (nhân dân tệ/USD) có thể là đích đến", Khoon Goh – Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ lưu ý. "Một động thái như vậy sẽ dẫn đến sự giảm giá 10% của nhân dân tệ, phù hợp với mức thuế 10% mà Mỹ đe dọa sẽ áp đặt lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét