Trang

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Xăng dầu liên tục tăng giá: Tạm ngừng trích quỹ bình ổn giá?

Phó Thủ tướng yêu cầu trong trường hợp có biến động lớn về giá xăng dầu, Bộ Công Thương cần phải tính đến việc tạm không trích quỹ trong một thời gian để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Giá xăng dầu liên tục tăng trong những tháng đầu năm nay.
Giá xăng dầu liên tục tăng trong những tháng đầu năm nay.
Tại kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 10/7/2018, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, trích lập và sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá linh hoạt với liều lượng thích hợp.
Đồng thời, trong trường hợp có biến động lớn về giá xăng dầu cần phải tính đến việc tạm không trích quỹ trong một thời gian để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Liên quan tới giá xăng dầu, theo Tổng cục Thống kê, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 6 tháng đầu năm tăng khá mạnh đã làm giá xăng dầu bình quân 6 tháng tăng 13,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,59% vào mức tăng CPI chung.
Theo báo cáo của cơ quan thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2018 tăng 2,22% so với tháng 12 năm 2017, bình quân 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2017 tăng 3,29%. Diễn biến CPI trong 6 tháng đầu năm tuy có xu hướng tăng trong tháng 5 và tháng 6 nhưng về cơ bản vẫn hoàn toàn nằm trong các kịch bản dự báo của Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành.
Kết luận của Phó Thủ tướng cho biết, các nhân tố gây tăng giá trong hai tháng gần đây chủ yếu xuất phát từ tác động của một số yếu tố căng thẳng về chính trị, thương mại và tài chính trên thế giới và một số yếu tố thị trường trong nước lên mặt bằng giá và đều đã được tính toán, dự báo trước, hầu như không có yếu tố tăng giá do tác động từ chính sách, điều hành vĩ mô hoặc xuất phát từ công tác điều hành giá của Chính phủ.
Từ nay đến cuối năm 2018, mặc dù công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát tiếp tục chịu nhiều áp lực do giá một số mặt hàng trên thị trường thế giới dự báo tiếp tục có khả năng tăng cao gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước qua kênh xuất nhập khẩu nhưng Chính phủ vẫn đặt một trong các mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần quyết tâm thực hiện kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% để góp phần hỗ trợ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp điều hành giá đã đề ra từ đầu năm về điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa; điều hành giá các mặt hàng thiết yếu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét